Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ
rõ mối quan hệ "giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa" là một "mối quan hệ lớn" cần giải quyết tốt trong thời
kỳ quá độ. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục quán
triệt và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa xây
dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Nhận
thức của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
là thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, nắm chắc quy luật và đặc điểm dân tộc, nhiệm vụ cách mạng trong
tình hình mới. Thực chất mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa cũng chính là biểu hiện của tiến trình thực hiện cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc
nhận thức, cụ thể hóa và xử lý đúng quy luật này là yêu cầu có tính sống còn của
sự phát triển đất nước, của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tất cả các giai đoạn.
Trong đó:
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước
ta được xác định là một sự nghiệp vĩ đại, là trách nhiệm của cả hệ thống chính
trị nhằm tạo ra một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất
hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện
phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết,
tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và
hợp tác với các nước trên thế giới”.
Bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia; bảo
vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị,
trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động
chống phá của các thế lực thù địch; không để đất nước bị động, bất ngờ. Bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam hiện nay là bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên CNXH, cũng
là bảo vệ một chế độ XHCN đang tronh quá trình xây dựng, hình thành và phát triển.
Xây dựng và bảo vệ gắn bó
chặt chẽ với nhau, có xây dựng mới bảo vệ được, có bảo vệ mới xây dựng được;
trong đó, xây dựng là nền tảng, là cơ sở cho bảo vệ, xây dựng đồng thời là
phương thức hữu hiệu để thực thi bảo vệ. Trong xây dựng đã bao hàm cả nội dung
bảo vệ và trong bảo vệ đã chứa đựng nội dung của xây dựng. Vì vậy, xây dựng đất
nước mạnh lên, khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, sự suy thoái, chệch
hướng, tụt hậu là tạo điều kiện vững chắc nhất cho bảo vệ, đó cũng chính là bảo
vệ trong xây dựng.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang phải hàng ngày, hàng giờ
đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực
thù địch và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong do tác động của
“diễn biến hòa bình” và cả những “ung nhọt” nảy sinh trong quá trình xây dựng
chủ nghĩa xã hội, của thời kỳ quá độ dưới sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế
thị trường, mở cửa, hội nhập, của toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ và vượt bậc
của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự du nhập của các luồng văn hóa đan
xen, ồ ạt, mạnh mẽ hơn bao giờ. Vì vậy, hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
XHCN diễn ra một cách phổ biến và thường xuyên, liên tục, làm cho các quá trình
đan xen vào nhau, trở thành lẽ sinh tồn, lẽ sống của mọi người Việt Nam dù ở bất
cứ nơi đâu cũng hướng trái tim về Tổ quốc, góp sức mình vào xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với lòng tự hào và đầy nhiệt tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét