Từ những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc và
các thế lực phản động luôn thực hiện âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” lực
lượng vũ trang, họ thừa biết rằng đây là lực lượng trung thành với Đảng,
Nhà nước và nhân dân; bởi vậy các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để vô hiệu
hóa các lực lượng vũ trang nhân dân. Và đây cũng là một thủ đoạn trong
chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng
đối với các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có quân đội nhân dân và công
an nhân dân; làm cho lực lượng vũ trang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mất
phương hướng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân,
dẫn đến suy yếu về chính trị, tiến tới làm cho lực
lượng vũ trang bị vô hiệu
hóa.
“Phi chính trị hóa” quân đội
ta là một âm mưu cực kỳ nham hiểm, là một mũi nhọn trong tổng thể chiến lược
“diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. “Phi
chính trị hóa” quân đội tuyệt nhiên không phải là làm cho quân đội ta “không
chính trị”, “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” trong các cuộc đấu tranh dân
tộc, đấu tranh giai cấp như chúng vẫn thường rêu rao, lừa phỉnh, hoặc như những
nhận thức mơ hồ của một số người, mà thực chất đó là nhằm phá hủy chính trị vô
sản của quân đội ta, là lái chính trị của quân đội ta trượt sang chính trị khác
- chính trị tư sản, làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam không còn là quân đội
kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa.
Vì thế, đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ta thực sự
là một yêu cầu, một nội dung đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong quá trình
xây dựng quân đội ta về chính trị.
Trong thực tiễn, các thế lực
thù địch dùng nhiều ngón đòn và các chiêu thức khác nhau, với nhiều giọng điệu
khác nhau, khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức và trực diện chống phá, khi
thì như là “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết” của mình đối
với sự nghiệp xây dựng quân đội, cố gắng “khuyên nhủ” chúng ta phải thế này,
thế nọ. Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch ra sức rêu rao quan điểm:
quân đội “chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng
phái nào, lực lượng chính trị nào”[1]. Để nhấn mạnh
thêm các luận điểm trên, chúng còn đặt vấn đề quân đội ta cần phải tuyệt đối
trung thành với lợi ích của quốc gia dân tộc, đề cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên
hết”, “vì quốc gia dân tộc”, “vì nhân dân” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu
của quân đội. Chúng tỏ ra “thiện chí” kiên trì “khuyên nhủ” chúng ta cần phải
thực hiện “chuyên nghiệp hóa” quân đội càng sớm càng tốt; rằng, Việt Nam cần
phải nhìn vào quân đội của các nước khác mà noi theo, cần phải “học tập kinh
nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang theo mô hình của quân đội tư sản”.
Với thủ đoạn “phi chính trị hóa” lực
lượng vũ trang của các thế
lực thù địch không có gì khác là muốn làm cho lực lượng vũ trang nhân dân ta dần dần biến chất, từ lực
lượng vũ trang của nhân
dân, mang bản chất của giai cấp công nhân, trở thành một đội quân phản bội lại
lợi ích của Đảng, của Nhân dân, bảo vệ cho lợi ích của các tầng lớp, giai cấp
tư sản. Để thực hiện mục tiêu “phi
chính trị hóa” lực lượng vũ trang, chúng tập trung phủ nhận
vai trò lãnh đạo của Đảng; đỏi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; phủ nhận học thuyết Mác-Lê-nin về giai cấp và đấu tranh
giai cấp, xuyên tạc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng
về quân sự, quốc phòng, an ninh, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng rêu rao: “quân đội và
công an phải là một lực lượng trung lập”; rằng: “quân đội phải đứng ngoài chính
trị”. Tuy nhiên, thực tiễn khẳng định: không có một quân đội nào là "đứng
ngoài chính trị", là "trung lập".
Cốt lõi trong âm mưu, thủ
đoạn chống phá quân đội ta của các thế lực thù địch là chống phá về chính trị,
là đánh vào cái “gốc” chính trị của quân đội - chính trị của Đảng của giai cấp
công nhân.Chúng tập trung công kích, phá hoại những vấn đề rất cơ bản của quân
đội ta. Đó là: thứ nhất, phá hoại nền tảng tư
tưởng của quân đội; thứ hai,phủ định sự
lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; thứ ba, xuyên
tạc, phủ định mục tiêu, lý tưởng và bản chất, truyền thống của quân đội
ta; thứ tư, phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa quân
đội với nhân dân; thứ năm, lôi kéo quân đội ta tham
gia liên minh quân sự, phá hoại tình đoàn kết quốc tế và khống chế các mối quan
hệ hợp tác giữa quân đội ta với quân đội các nước.
Âm mưu, thủ đoạn “phi chính
trị hóa” quân đội là đặc biệt nguy hiểm. Nếu chưa thể xóa bỏ được vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, thì cũng có thể làm cho một bộ
phận quân nhân hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với quân
đội, dễ dẫn đến những biểu hiện xem nhẹ sự lãnh đạo của Đảng, nhất là đối với
các tổ chức đảng ở cơ sở. Luận điệu “Quân đội là của quốc gia, dân tộc”, “chỉ
để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân” như là một yêu
cầu, kiến nghị tưởng là khách quan, "không chính trị”, không giai cấp,
nhưng lại rất mang đậm tính giai cấp, thực chất là nhằm lái chính trị của quân
đội ta sang chính trị tư sản, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam đối với quân đội, dễ dẫn đến sự hoài nghi, thiếu tin tưởng trong cán bộ,
chiến sĩ quân đội ta đối với sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó, lơ là, thiếu cảnh
giác trước sự chống phá của các thế lực thù địch.
Trong thời kỳ mới, âm mưu,
thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch không những
được đẩy mạnh ráo riết và tăng cường hơn, mà còn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm
hơn. Chúng không chỉ chọc vào những vấn đề cơ bản, cốt lõi của quân đội, mà còn
chọc vào những vấn đề tưởng chừng rất “đơn giản” như cơm áo, gạo tiền, đời sống
quân nhân; không những ảnh hưởng tiêu cực đến quân đội, mà còn tác động mạnh mẽ
đến cả xã hội; không những nguy hiểm hơn, mà còn khó nhận biết và khó đấu tranh
hơn.
Không thể xây dựng quân đội
thực sự vững mạnh về chính trị, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, không
phòng, chống có hiệu quả âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực
thù địch. Cũng không thể đấu tranh có hiệu quả âm mưu “phi chính trị hóa”, nếu
chúng ta không thực hiện tốt việc xây dựng quân đội về chính trị. Xây dựng quân
đội vững mạnh về chính trị là tạo ra sức mạnh nội sinh, khả năng và sức “đề
kháng” trước mọi ngón đòn “phi chính trị hóa”; đồng thời điều đó cũng là hiện
thực cho thấy sự thất bại, phá sản mọi mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội ta
của các thế lực thù địch. Mối quan hệ biện chứng giữa xây và chống này cần phải
được nhận thức đúng và giải quyết tốt trong thực tiễn xây dựng quân đội về
chính trị, cũng như trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính
trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch trong tất cả các giai đoạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét