Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

NVD40 - Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng – nhiệm vụ chiến lược, cấp bách hiện nay

 

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, dịch vụ Internet, mạng xã hội,… đã hình thành nên một không gian xã hội mới - không gian mạng với nguồn tài nguyên số cực lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực, không gian mạng cũng đặt ra không ít thách thức đối với quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, vì vậy bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là tất yếu khách quan, nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.

Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, đặc biệt là phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện một không gian xã hội mới - không gian mạng. Đây là phần không gian đặc thù, được hình thành từ cơ sở hạ tầng thông tin và hoạt động của các thành phần xã hội trên đó, dần trở thành không gian chiến lược mới - vùng “lãnh thổ đặc biệt”, gắn kết chặt chẽ với các môi trường tự nhiên (đất liền, biển, đảo, trên không, vũ trụ) để các quốc gia khai thác, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Thực chất, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian mạng được hình thành và phát triển trên cơ sở hai yếu tố cơ bản: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hoạt động, tương tác của các thành phần xã hội ở trên đó. Chính vì điều này mà không gian mạng đã, đang trở thành không gian xã hội đặc biệt, bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội và không bị giới hạn bởi các yếu tố: không gian, thời gian.

Ở Việt Nam, từ năm 1997, khi chúng ta kết nối mạng internet toàn cầu, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nhanh chóng được xác lập; theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng thông tin do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng giống như chủ quyền lãnh thổ truyền thống, Nhà nước ta có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình; xác lập và thực thi quyền quản lý, kiểm soát, phát triển, khai thác đối với toàn bộ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia cũng như thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó; đồng thời, mã hóa thông tin số, truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu và kiểm soát toàn bộ các hoạt động trên vùng “lãnh thổ đặc biệt” thuộc quyền quản lý của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Đặc tính ưu việt của không gian mạng

Từ thực tiễn cho thấy, với những đặc tính cơ bản của một kho tri thức khổng lồ; có tốc độ truyền tải, lan truyền, tìm kiếm thông tin nhanh; lưu trữ thông tin cực lớn; tính liên kết cộng đồng cao,... không gian mạng đã trở thành một phần của đời sống xã hội và là “không gian chiến lược mới”, mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng và quốc gia - dân tộc; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Có thể thấy đặc tính ưu việt của không gian mạng như: (1) không gian mạng góp phần phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người ở mọi quốc gia, nhất là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam; (2) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước, đặc biệt không gian mạng ở nước ta đang là nền tảng quan trọng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số; (3) giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát triển; không gian mạng góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục và hội nhập quốc tế của đất nước; (4 làm xuất hiện hình thái chiến tranh trong môi trường mạng, hình thành loại hình và lực lượng tác chiến không gian mạng; làm thay đổi học thuyết, tư duy và phương thức tiến hành chiến tranh, bảo vệ an ninh quốc gia. (5) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, tăng cường sự gắn kết và đồng thuận trong nhân dân.

Từ những lợi ích to lớn mà không gian mạng mang lại, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Trong đó, xác định: không gian mạng là “vùng lãnh thổ đặc biệt” để các quốc gia khai thác, phục vụ cho phát triển,... Việt Nam chủ trương xây dựng không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế,… góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những nguy cơ, thách thức

Bên cạnh những mặt tích cực, cũng như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít những nguy cơ, thách thức trên không gian mạng:

Một là, không gian mạng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Với tính chất mở, ẩn danh và lan truyền nhanh, không gian mạng đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng thường xuyên sử dụng mạng xã hội, phổ biến là Facebook, YouTube, …để tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc thành tựu của cách mạng, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi dụng tính xác thực thông tin trên không gian mạng còn yếu, chúng thường xuyên kích động các phần tử cực đoan, bất mãn phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật,… nhằm tạo ra các đợt “khủng hoảng truyền thông” để thu hút sự quan tâm của dư luận, hướng lái dư luận theo mục đích chính trị của chúng. Từ đó, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ,... Những hoạt động này rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hai là, không gian mạng là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch triển khai hoạt động gián điệp. Ra đời cùng với sự xuất hiện của không gian mạng, gián điệp mạng có thể gây ra những tổn thất lớn về nhiều mặt thông qua tấn công vào hệ thống máy tính của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, tập đoàn kinh tế lớn, hệ thống ngân hàng, sân bay, bến cảng,... để đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật hoặc tấn công mã độc, chiếm quyền kiểm soát, điều khiển hệ thống thông tin, v.v. Thời gian qua, một số cơ quan đặc biệt của nước ngoài đã và đang đẩy mạnh các hoạt động do thám, xâm nhập gián điệp để đánh cắp thông tin, bí mật quốc gia, bí mật quân sự nhằm tạo lợi thế trong quan hệ hợp tác quốc tế; tác động vào đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại; đưa thông tin sai lệch, truyền bá quan điểm phản động nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; âm thầm, bí mật kiểm soát hệ thống mạng, tạo thế trận, xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của ta. Các hoạt động này thường được tiến hành thông qua các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn trong các phần mềm, ứng dụng, các thiết bị số bán ra thị trường, làm quà tặng hoặc có thể cài đặt từ xa qua mạng Internet.

Ba là, nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng. Đây là một hình thái chiến tranh mới - chiến tranh phi đối xứng, diễn ra thường xuyên, liên tục, trong cả thời bình và thời chiến. Chiến tranh mạng không sử dụng khí tài quân sự truyền thống mà sử dụng lực lượng tinh nhuệ để lập trình, chế tạo, sản xuất và nhân bản hàng loạt vũ khí mạng, như: mã độc, hệ thống công cụ tấn công mạng, hệ thống công cụ tình báo mạng; hậu quả gây ra có thể vượt xa chiến tranh truyền thống. Vào tháng 4/2007, thế giới đã chứng kiến hàng loạt trang thông tin điện tử các cơ quan chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ Internet, ngân hàng của Estonia bị tấn công, làm cho hầu hết các website của nước này bị tê liệt trong khoảng 3 tuần, gây nhiều thiệt hại. Năm 2009, hàng loạt website của Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc cũng bị tấn công, trong đó nhiều website quan trọng của hai nước này phải tạm ngừng hoạt động. Hiện nay, một số quốc gia đang bí mật triển khai các hoạt động trinh sát, giám sát, tình báo, bố trí hệ thống vũ khí mạng, sẵn sàng tiến công, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.

Trước những nguy cơ và nguy hại của chiến tranh mạng, Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Đảng khẳng định, nguy cơ tranh chấp biển, đảo, đe dọa chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng gia tăng. Mục tiêu tấn công của kẻ địch trong trường hợp xảy ra chiến tranh mạng đối với Việt Nam là hệ thống hạ tầng truyền dẫn vật lý, đó có thể là cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia; các hạ tầng dịch vụ lõi, như: router, thiết bị mạng,...; các hệ thống cơ sở dữ liệu, mạng máy tính nội bộ; hệ thống điều khiển tự động hóa của các cơ sở quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, như hệ thống thông tin chỉ huy, giám sát, điều khiển vũ khí của Quân đội, nhà máy lọc dầu, thủy điện, nhiệt điện, giàn khoan, sân bay, bến cảng, v.v. Trên thực tế, từ ngày 08/3 - 10/3/2017, chúng ta đã chứng kiến tin tặc tấn công, thay đổi giao diện website Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, … đe dọa lớn đến an ninh hàng không. Thực tế đó cho thấy, nếu chiến tranh mạng xảy ra, hậu quả sẽ rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp phòng, tránh hiệu quả, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bốn là, tội phạm công nghệ cao. Với đặc tính ảo, không gian mạng là môi trường thuận lợi để tội phạm công nghệ cao lợi dụng tiến hành các hoạt động gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia. Chúng thường giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để tiến hành các hoạt động lừa đảo qua mạng; lừa đảo qua phương thức kinh doanh đa cấp trên mạng; giả mạo website của các ngân hàng để lừa người truy cập, chiếm đoạt tài sản; tổ chức các hoạt động đánh bạc, “tín dụng đen”, v.v. Cùng với đó, mạng xã hội còn được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm như: ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác, v.v.. Hoạt động trên của các đối tượng đã gây nhiều thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia - dân tộc.

Không gian mạng quốc gia là vùng “lãnh thổ đặc biệt" của Tổ quốc, vừa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển an toàn, bền vững của đất nước nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với quốc phòng, an ninh cũng như sự ổn định và phát triển của đất nước. Do vậy, không gian này cần được quản lý, định hướng, phát triển bằng những chủ trương, chiến lược, đề án,... bảo đảm chặt chẽ, khoa học, nhằm phát huy những đặc tính ưu việt, hạn chế tác động tiêu cực, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...