Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế vừa chịu sự chi phối bởi những
nguyên tắc và quy luật của thị trường và cả những nguyên tắc và bản chất xã hội
chủ nghĩa. Nền kinh tế đó vừa có đặc trưng chung của nền kinh tế thị trường,
vừa có đặc thù của tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, còn có sự đan xen và đấu tranh giữa cái cũ và cái mới,
vừa có và chưa có đầy đủ các yếu tố của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa mang tính chất chung của
nền kinh tế thị trường, vừa có những tính chất đặc thù, dựa trên nguyên tắc và
bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Thời gian qua các thế lực thù địch, phần tử cơ hội
chính trị ở trong và ngoài nước ra sức chống phá, tán phát những bài viết như: “Việt
Nam có phải là nền kinh tế thị trường”, hay “Sự thận trọng của giới đầu
tư cho thấy những quan ngại về kinh tế Việt Nam”, nội dung xuyên tạc chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển nền kinh tế, phủ nhận
các yếu tố tạo điều kiện phát triển cho thành phần kinh tế tư nhân, kêu gọi các
quốc gia không công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Những luận điệu trên thực chất là mưu đồ đen tối, cố
tình xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một
bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến sự thống nhất nhận thức,
tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đây là những luận điệu hết sức phản khoa
học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Từ thực tiễn quá trình đổi mới đã khẳng định, nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các
yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, như đa
dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh,
lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh
bình đẳng, hệ thống các loại thị trường phát triển ngày càng đồng bộ…; vai trò
của Nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới, như quản lý bằng luật pháp,
chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của
Nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể
kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường.
Trong điều kiện đó, các quy luật của kinh tế thị
trường vận hành đồng bộ, các chủ thể kinh tế cạnh tranh để tồn tại và phát
triển; giá cả hàng hóa cơ bản do thị trường quyết định; sản xuất và lưu thông
hàng hóa phải chú ý đến tín hiệu giá cả, quan hệ cung - cầu trên thị trường;
thị trường đóng vai trò trực tiếp điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa,
điều tiết hoạt động của các chủ thể kinh tế, huy động và phân bổ các nguồn lực
của sản xuất,… Các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế
thị trường gắn với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực
của cơ chế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội,
thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi
trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nội dung và phương thức quản lý của Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không mâu thuẫn, đối
lập, không cản trở hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường, mà tạo điều
kiện phát huy mặt tích cực, hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của các quy luật,
để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, chắc chắn rằng, các quy luật của
kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không đối lập nhau,
không loại trừ nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế,
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt
Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; chất
lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được
kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy
mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải
thiện… Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam là một trong những nền
kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Những kết quả đó là minh chứng thuyết
phục, đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét