Ngày 29-11-2023, tại Hội trường
Diên Hồng, Hà Nội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trang trọng bế mạc. Sau 22,5
ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ
họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Dự phiên bế mạc có
các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ
chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các vị
đại biểu Quốc hội…
Phát biểu bế mạc,
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã
hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã nêu cao tinh thần
trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, tập trung giải
quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng, với sự đồng thuận, nhất trí
cao. Kỳ họp có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ;
1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận
tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152
lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7
luật, 8 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật; thảo luận, quyết
nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành nghị quyết chung của kỳ họp.
Về kinh tế -
xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội đã thảo
luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị
quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước,
phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư
công năm 2024; cho ý kiến về báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai
thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã
hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay,
trả nợ công; Kế hoạch tài chính - ngân sách, đầu tư công 3 năm 2024 - 2026;
kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, về chính sách tài khóa, tiền
tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân
đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các
vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng
trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội
nêu rõ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách,
các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực,
hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính,
nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy
nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là
các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực
văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết
định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây
dựng con người Việt Nam. Triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ
ngày 1-7-2024. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ
sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành
chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc
phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai
đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy
mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, nâng
cao hiệu quả công tác dân vận, thực hành dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận trong
xã hội.
Về công tác
lập pháp
Quốc hội đã xem
xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật
và 7 luật. Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách
đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự
án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh.
Quốc hội cho rằng
việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn
của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ
động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để
giữ chân và tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Quốc hội cho ý
kiến lần đầu đối với 8 dự án luật đây là các đạo luật có ý nghĩa
chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu,
nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể
hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.
Đối với dự án Luật
Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Do tính chất
đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án luật này, Quốc hội đã thảo luận,
đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều
mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm
thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau,
bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Về hoạt động
giám sát.
Quốc hội tiến hành
giám sát tối cao việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và thông qua nghị quyết về
kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải
pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình mục
tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Tại kỳ họp, Quốc
hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do
Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu
đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của
Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.
Để các luật, nghị
quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Quốc hội giao Ủy
ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết được
thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Các đại biểu Quốc hội báo cáo cử tri cả nước kết quả
kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý
kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong
thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc
tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo của công dân.
Tại phiên bế mạc
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cấp, các ngành
nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có
hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng
năm mới 2024 và tết Nguyên đán Giáp Thìn theo chỉ thị của Ban Bí thư, bảo đảm
mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét