Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với nhiều loại hình khác nhau và có sự phát triển nhanh cả về tổ chức, số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự. Đa số các hoạt động tôn giáo được diễn ra bình thường và tuân thủ pháp luật của Nhà nước; tín đồ và chức sắc các tôn giáo yên tâm, tin tưởng và hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, gây rối làm mất ổn định chính trị, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các
thế lực thù địch ở ngoài nước thông qua các trang mạng xã hội: youtube,
facebook, tiktok, zalo, instagram… chỉ đạo, móc nối với các phần tử cực đoan,
phản động ở một số địa bàn trong nước nhằm vu cáo, dựng chuyện chính quyền địa
phương đàn áp, vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, kích động
đồng bào dùng vũ lực chống lại chính quyền các cấp. Chúng triệt để lợi dụng và
dựa vào hệ thống tổ chức tôn giáo để tập hợp lực lượng, đẩy mạnh phát triển các
hội đoàn tôn giáo, gia tăng phát triển lực lượng chống đối trong các tôn giáo,
tạo thế liên tôn, liên kết bên trong với bên ngoài nhằm khuyếch trương thanh
thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng
xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để khống
chế, kích động quần chúng bạo loạn, phá rối trật tự an ninh, an toàn xã hội,
hòng gây ra “Những bất ổn về chính trị”, tạo “điểm nóng về an ninh” ở Việt Nam.
Tiêu biểu đó là các phong trào về “Nhà nước của người Hmông”, “Nhà nước Đề ga
độc lập”, “Nhà nước Khơmer Crom”. Tổ chức Tin lành Đề ga thì nay là “Tin lành
đấng Christ Việt Nam” hay “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” được các tổ chức
phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài giật dây, chống lưng.
Các
phần tử theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân
tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho số đối
tượng trong nước và cử người xâm nhập Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động
khủng bố ở Việt Nam. Hoạt động khủng bố của nhóm đối tượng tấn công trụ sở
chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 là điển hình cho
hình thức chống phá này của chúng. Chúng thúc đẩy phong trào đòi ly khai và đưa
ra những đòi hỏi hết sức phi lý, trái với pháp luật: “là tôn giáo phải độc lập,
không chịu sự quản lý của Nhà nước”. Đồng thời, chúng cũng tâng bốc, ca ngợi
“tự do tôn giáo”, “giá trị dân chủ phương Tây”; “nhân quyền cao hơn chủ quyền”,
“chủ nghĩa can thiệp nhân đạo”, một số phần tử cực đoan ngang nhiên cho rằng
“tự do tôn giáo” là quyền, không chịu sự quản lý của Nhà nước, đòi xây dựng xã
hội dân sự Việt Nam theo mô hình các nước phương Tây.v.v..
Như
chúng ta đã biết đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo Đảng, Nhà nước Việt Nam
khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân
dân đã, đang và sẽ đồng hành cùng dân tộc. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và
đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của nhân
dân. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do
tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích
của Tổ quốc và nhân dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Việt Nam, khẳng
định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo
nào; mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi
tín ngưỡng, tôn giáo;…. Đồng thời, quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị
vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo
hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo…
Đảng
và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ các tôn giáo hoạt động
và phát triển trong khuôn khổ pháp luật. Ở Việt Nam, không có chuyện kỳ thị,
phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo. Trong báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về
tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2012 - 2022 của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam
khẳng định: cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng chục nghìn m2 đất để xây
dựng cơ sở thờ tự tôn giáo, như: Thành phố Hồ Chí Minh cấp 7.500 m2, Đắk Lắk
cấp 11.000 m2; Đà Nẵng cấp 9.000 m2. Tính đến hết năm 2022 chính quyền đã công
nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên
55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc. Riêng trên địa bàn Tây Nguyên,
năm 1975 chỉ có 50.000 người/200 thôn, làng theo đạo Tin lành, đến nay, đã là
hơn 500.000 người/18.000 thôn, làng. Bên cạnh đó, việc học tập, đào tạo của các
tôn giáo cũng được phát triển nhanh. Từ chỗ chỉ có 22 trường cao đẳng, trung
cấp Phật học (năm 1993), đến nay, cả nước đã có 4 học viện Phật giáo và 49
trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp Phật học; Giáo hội Công giáo có 6 Đại Chủng
viện với hàng nghìn chủng sinh,… không những thế, Nhà nước còn tạo điều kiện
cho hàng trăm tu sĩ đi học tập, hội thảo nâng cao trình độ ở nước ngoài và
nhiều người đã trở thành tiến sĩ Phật học. Việc in ấn, xuất bản kinh sách được
Nhà nước quan tâm, hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có báo, tạp chí, bản tin,
đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Chỉ tính riêng Nhà xuất bản Tôn
giáo, mỗi năm đã cấp phép xuất bản hơn 1.000 ấn phẩm liên quan đến tôn giáo.
Hằng năm, có khoảng trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo với hàng
vạn tín đồ tham gia lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức ở các quy mô khác
nhau trên phạm vi cả nước; trong đó, các sự kiện trọng đại của các tôn giáo đều
được chính quyền các cấp tạo điều kiện tổ chức, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao
thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ,... để nhân dân được tự do hành lễ,
thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương
quan tâm, động viên, chúc mừng….
Vì
vậy trong thời gian tới, để đấu tranh với mưu đồ đen tối đó, chúng ta cần tập
trung vào các nội dung sau: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong
các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào tôn giáo nắm vứng quan điểm, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục
rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo. Chăm
lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo. Tăng cường
xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị-
xã hội; chủ động kịp thời giải quyết tốt các điểm nóng liên quan đến vấn đề tôn
giáo. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và những người có uy tín
trong các tôn giáo tham gia đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi
dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Qua đó, phát huy
các nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo, lan tỏa trong xã hội và tạo nên sức mạnh
tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
thời kỳ mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét