Sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ
ngày 23/10 - 10/11/2023, đợt 2 từ ngày 20/11-29/11/2023) với tinh thần tích cực,
dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã
hoàn thành với khối lượng công việc lớn trên tinh thần “trách nhiệm, công tâm,
khách quan”, Kỳ họp đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, đạt hiệu quả, chất
lượng.
Kỳ họp thứ 6 đã thông qua 07 luật: Luật
Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ
an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình
quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa
đổi).
Thông qua 09 nghị quyết: Nghị
quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội
bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phân bổ
ngân sách trung ương năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về
đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập
doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết
về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về
các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -
2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết về
tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm
kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp
thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông
qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
từ thực tiễn hiện nay.
Cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự
án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh
và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường
bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
(sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; và quyết
định nhiều vấn đề quan trọng.
Kỳ họp có nhiều đổi mới, công
khai, dân chủ. Các báo cáo, dự án luật cơ bản được chuẩn bị tốt, báo cáo thẩm
tra có nội dung trọng tâm, cụ thể. Đa số đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và
hội trường với tinh thần, trách nhiệm và chất lượng cao, các phiên họp toàn thể
diễn ra với không khí sôi nổi, với sự tham gia thảo luận tranh luận để thấy được
rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ghi
dấu ấn với nhiều điểm mới trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định
các vấn đề quan trọng:
1.
Công tác lập pháp
Là nội dung trọng tâm của Kỳ họp,
được chuẩn bị khá công phu, chất lượng và được tiến hành đúng quy trình, thủ tục
theo quy định. Với khối lượng lớn các dự án Luật, Nghị quyết được trình tại kỳ
họp, là sự cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, Hội
đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc xây dựng, thẩm tra, hoàn thiện
các dự thảo Luật, pháp lệnh. Các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình thông
qua được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là có thêm 01 tuần giữa 02 đợt để chỉnh lý, giải
trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của đại biểu nên đã được Quốc hội thông
qua với sự đồng thuận rất cao. Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã góp
phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất
với hệ thống pháp luật….
Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định
thống nhất chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp
này mà chuyển qua kỳ họp gần nhất để hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật, đảm bảo
tính hợp Hiến, hợp pháp và thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Việc
lùi lại thông qua dự án Luật thể hiện sự quyết tâm cao của Quốc hội trong công
tác xây dựng Luật, không chạy theo tiến độ mà cân nhắc, thận trọng, tìm ra
phương án tối ưu nhất vì đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt quan trọng,
tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Điều này là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của dự án Luật và phù hợp thực tế
sau khi được thông qua, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Luật, pháp lệnh của
Quốc hội.
2.
Công tác giám sát
Quốc hội đã giám sát chuyên đề việc
triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc
gia; xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp
thứ 5; giám sát việc giải quyết đơn thư… dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả
lời chất vấn… Việc Quốc giám sát tối cao triển khai thực hiện 3 Chương trình mục
tiêu Quốc gia tại kỳ họp này để thấy được những vướng mắc, những khó khăn tồn tại
hạn chế của các cấp ngành trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc
gia. Từ đó, Quốc hội có nghị quyết để tiếp tục là cơ sở để cho Chính phủ và các
Bộ ngành trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn,
nhất là Quốc hội đã thống nhất việc tiếp tục giao Chính phủ tiếp tục thực hiện
chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2021 đến năm 2024 để các địa phương tiếp tục triển
khai thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trách
nhiệm trong giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến
trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Trong thời gian
qua với sự quyết tâm của Quốc hội, cùng với sự chủ động, phối hợp của Chính phủ,
các bộ, ngành trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của
cử tri đã có những thay đổi tích cực. Nhận thức của các cơ quan từ Trung ương đến
địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri
được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện
nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm
trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh,
thành phố trong cả nước.
Việc nâng cao trách nhiệm của người
đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử
tri và Nhân dân đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ có hiệu quả những khó
khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình
hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Giải quyết căn
cơ tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp là nguyên nhân của việc
mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin trong cử tri và Nhân dân
Đặc biệt, một nội dung giám sát
quan trọng tại kỳ họp này là Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với
các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng,
thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết
quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với những chức danh được lấy phiếu tín
nhiệm. Đồng thời, cũng là dịp để các đồng chí giữ các chức danh do Quốc hội bầu,
tự đánh giá và đề ra những giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn các
nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Trên tinh thần “trách nhiệm, công
tâm, khách quan” các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức
danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành một
cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai minh bạch và nghiêm túc theo đúng
quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín
nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là kết quả
của cả quá trình chuẩn bị khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc và trách nhiệm
cao của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cư quan, tổ chức hữu quan và những người
được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với
44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là để các chức danh giúp họ thấy được
mức độ tín nhiệm của ngành mình quản lý điều hành để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện,
nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và cũng là
cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ.
3.
Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem
xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là những vấn đề cấp
thiết, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm
bảo quốc phòng, an ninh của các các địa phương và cả nước. Quốc hội bàn bạc kỹ
lưỡng, thận trọng, biểu quyết tập trung, thống nhất cao; có nhiều quyết sách mạnh
dạn, thể chế hoá kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng để đưa đất nước
vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Điển hình như: Cho phép kéo dài thời
gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đã bố trí cho các dự án thuộc Chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến hết ngày 31/12/2024; cho ý kiến
về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng
công trình giao thông đường bộ. Hay việc Quốc hội bổ sung nội dung đầu tư các dự
án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện và
cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi
ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho
người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư để bố trí dự
toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương triển khai thực
hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư trên theo quy định.
Với tất cả những nội dung nêu trên, có thể nói, Kỳ họp thứ 6, Quốc
hội khóa XV đã thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt, vì một Quốc hội hoạt động
tận tâm, trách nhiệm, giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách, đáp ứng sự mong
mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét