Kỳ họp thứ 6, Quốc hội
khóa XV diễn ra trong 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ
ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023. Kết thúc kỳ họp, Quốc hội đã thông
qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với dự án luật Đất đai, cho ý
kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật
khác.
Đáng chú ý, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước. Trong đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành (với tỷ lệ đại biểu biểu quyết tán thành chiếm 78,14%) là sự thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Đối với Luật Căn cước được
ban hành (431 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 87,25%) nhằm
thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ trực tuyến, góp phần xây
dựng Chính phủ điện tử, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc
gia về dân cư; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo bước đột
phá về chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc
phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý nhà nước; bảo đảm quyền con người, bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật gồm 07 chương, 46 điều (tăng
01 chương, 10 điều so với Luật Căn cước công dân hiện hành), trong đó đã bổ
sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định
được quốc tịch; cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu; tích hợp số
thông tin vào thẻ căn cước; bổ sung quy định về căn cước điện tử... Luật có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Ngoài ra, tại kỳ họp, Quốc
hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu
hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện
các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025,
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một
số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ
họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về
kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của
cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử
tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Khẳng định rằng, kỳ
họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu
thực tiễn với khối lượng công việc rất nhiều, phức tạp, khó khăn. Quốc
hội đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm trước các quyết định
quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; tập trung đánh giá toàn diện,
phân tích thấu đáo, khách quan về những kết quả kinh tế - xã hội trong thời
gian qua, từ đó chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp hiệu quả
cho những năm tới.
Kết quả đạt được của kỳ họp
là nguồn cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy
kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nỗ lực thực hiện có hiệu
quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho
Nhân dân, chuẩn bị chu đáo các chương trình phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán
Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần thực hiện
thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét