Hiện nay, môi trường quốc tế và khu vực
đang có sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng có. Thế giới đang phải đối mặt
với những vấn đề an ninh phi truyền thống có mức độ ảnh hưởng sâu rộng, tức
thời, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột cục bộ…; các nước đều chịu tác
động nhất định từ cuộc cạnh tranh nước lớn, từ sự thay đổi cán cân lực lượng,
chuyển dịch quyền lực. Các trào lưu lớn trên thế giới vốn phát triển thuận
chiều trong nhiều thập niên như toàn cầu hóa, đa phương hóa, đang có xu hướng
đảo chiều hoặc thoái lui. Nhưng nhìn ở một chiều cạnh ngược lại với thách thức
thì hợp tác để cùng đối mặt và vượt qua thách thức chính là cơ hội để hai nước
Việt Nam và Trung Quốc tăng cường sự tin cậy chiến lược, tiếp tục củng cố quan
hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược
toàn diện. Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, Tổng
Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự phức tạp của môi trường
quốc tế, nguy cơ, thách thức gay gắt mà các nước xã hội chủ nghĩa phải đối mặt,
mong muốn hai bên cần tự tin vào con đường, mô hình đã lựa chọn và đoàn kết với
nhau, để bảo đảm “an ninh chính trị và ổn định xã hội” của mỗi nước.
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc đã hoàn
thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, bắt đầu bước vào thực hiện mục tiêu 100
năm lần thứ hai, thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”, “Sự phục hưng vĩ đại của dân
tộc Trung Hoa” từ nay đến năm 2050. Báo cáo Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung
Quốc nhiều lần nhắc đến điểm hội tụ, giao thoa về lợi ích, trong quan hệ với
các nước láng giềng, nhấn mạnh “làm sâu sắc hơn sự tin cậy hữu nghị và điểm gặp
gỡ lợi ích với các nước láng giềng”, “điều chỉnh khái niệm công bằng và lợi
ích”. Trong chính sách ngoại giao láng giềng, khu vực Đông Nam Á, trong đó có
Việt Nam, giữ vị trí quan trọng. Trung Quốc khẳng định “coi Việt Nam là phương
hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”.
Về phía Việt Nam, trước bối cảnh khu vực
và thế giới phức tạp như hiện nay, Việt Nam luôn kiên trì, khẳng định rõ hơn
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế
và chính sách quốc phòng “bốn không”, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán
coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng
đầu. Trên cơ sở này, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn, tìm kiếm thêm điểm gặp gỡ lợi
ích trong bối cảnh mới, làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ Đối tác hợp tác
chiến lược toàn diện.
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 đã đề cập đầy đủ tất cả lĩnh vực
trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nêu lên những yêu cầu, phương hướng, nội
dung hợp tác cụ thể đối với từng lĩnh vực từ định hướng chung, hợp tác giữa hai
Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng - an ninh, văn hóa, y tế, giáo
dục...; xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện thời đại mới.
Các lĩnh vực chủ chốt trong hợp tác Việt
Nam - Trung Quốc sẽ được thúc đẩy theo hướng duy trì và củng cố thành quả, từng
bước giải quyết tồn tại, tháo gỡ vướng mắc. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại,
ngoài duy trì tăng trưởng về kim ngạch, hai bên nhấn mạnh đến thương mại điện
tử, thúc đẩy an toàn, ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nước.
Những điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời
sống của người nông dân đã từng bước được tháo gỡ, tiến trình mở cửa thị trường
cho một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được tiếp tục thúc đẩy. Ngược
lại, phía Việt Nam tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho các mặt
hàng của Trung Quốc.
Kết nối về kết cấu hạ tầng đã có nhiều kết
quả khi hai nước thực hiện kết nối BRI với “Hai hàng lang, một vành đai kinh
tế”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện Tuyến đường bộ -
đường biển mới phía Tây, coi đó là một hợp phần của BRI ở khu vực phía Nam,
thông qua việc triển khai kết nối đường sắt Trung Quốc - Lào, Trung Quốc - Thái
Lan, Thái Lan - Lào. Vì vậy, đẩy nhanh kết nối hợp tác Lan Thương - Mê Công,
kết nối Việt Nam với Tuyến đường bộ - đường biển mới là một điểm nhấn hợp tác mới mà Trung Quốc
mong muốn, bao gồm kết nối từ hướng Quảng Tây và kết nối từ hướng Vân Nam (kết
nối đường sắt Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Tuyên bố chung năm 2022
nêu “sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai -
Hà Nội - Hải Phòng” và “tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn
đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)”. Trong thời
gian tới, hai nước tập trung hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo,
thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế số, đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, hợp tác
an ninh giữa hai nước được nhấn mạnh hơn với nhiều nội dung cụ thể, như chống
khủng bố, chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, tội phạm về ma túy,
chống lừa đảo trên mạng và viễn thông, đánh bạc qua biên giới, mua bán người,
tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Tựu trung, việc xây dựng quan hệ Đối tác
hợp tác chiến lược toàn diện “là tầm cao mới phát triển quan hệ hai nước, cũng
là hình thức mới trong biến đổi của quan hệ hai nước”. Đúng như khẳng định của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh trong chuyến thăm chính thức
Trung Quốc (năm 2022) rằng: “Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu
phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc”. Nhân
chuyến thăm chính thức Trung Quốc (tháng 6-2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính một lần nữa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi
trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung
Quốc; khẳng định đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên
hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa
của Việt Nam. Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong hội đàm
với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 16-9-2023 nhân dịp
tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại
- đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20, tại thành phố Nam Ninh, Quảng
Tây, Trung Quốc. Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn coi quan hệ với
Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của
Trung Quốc. Trong vòng 3 tháng, Thủ tướng Phạm Minh
Chính đã đến Trung Quốc hai lần, hội đàm, gặp Thủ tướng Lý Cường ba lần thể
hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta đối với quan
hệ song phương với Trung Quốc, là sự cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, đồng
thời cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, quan hệ đối tác hợp
tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển trên nền tảng của
khuôn khổ và thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trước đó, những lĩnh
vực hợp tác quan trọng như kinh tế, thương mại đã và đang phát triển theo cả
chiều rộng và chiều sâu. Quan hệ chính trị, ngoại giao được củng cố và tăng
cường với số lượng chuyến thăm cấp cao nhiều, thông qua tuyên bố chung, thông
cáo chung, đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng. Hợp tác kinh tế duy trì
xu thế tăng trưởng ngay cả trong điều kiện khó khăn, như dịch bệnh COVID-19 hay
kinh tế thế giới suy giảm. Hai nước đang trong giai đoạn phát triển then chốt,
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phù hợp với tình hình mỗi nước. Sự tin cậy
chiến lược được tăng cường, nền tảng xã hội của quan hệ được củng cố, các vấn
đề còn vướng mắc từng bước được tháo gỡ, giải quyết tranh chấp trên biển bằng
biện pháp hòa bình, thực hiện đúng theo thỏa thuận, nguyên tắc mà hai nước đã
đạt được sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh, chất lượng cao trong thời gian tới,
vì lợi ích của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét