Với những luận điệu hết sức tinh vi xảo quyệt thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Chúng rêu rao rằng, “đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái”… chúng xoáy sâu vào vấn đề tham nhũng, tiêu cực vì, đây luôn là vấn đề “rất nóng”, được dư luận hết sức quan tâm; đó còn là biểu hiện tập trung nhất, rõ ràng nhất của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; là “cái cớ” để các thế lực thù địch, cơ hội, những kẻ “trở cờ”, bất mãn với chế độ sử dụng tối đa nhằm thổi phồng khuyết điểm, bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tiếp tục rêu rao “Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công; Việt Nam càng chống, tham nhũng càng nặng, bởi vì đó là căn bệnh kinh niên của chế độ một đảng cầm quyền”. Những luận điệu trên là hết sức thâm độc, xảo trá, phản động, cố ý phủ nhận những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hòng chia rẽ nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.
Đảng ta xác định
tham nhũng và tệ quan liêu là một trong bốn nguy cơ, thách thức lớn, cản trở
công cuộc đổi mới đất nước. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII khẳng định:
“Tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên
có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”; Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh:
“Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là
một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị
tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã
từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta cần thống nhất
quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm
trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu
tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu
đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai,
dụng ý xấu”.
Trên cả phương diện lý luận đúc kết và
thực tiễn đã chứng minh, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với
quyền lực, là “khuyết tật bẩm sinh”, sự tha hóa của quyền lực mà bất kể chế độ
xã hội nào trên thế giới cũng đều phải đương đầu với nó. Thực tiễn đã chứng
minh, dù là các nước phát triển, đang phát triển, đa nguyên chính trị, đa đảng
đối lập, như: Nhật Bản, Hàn Quốc; hay nhất nguyên chính trị như Trung Quốc,
hoặc như các nước có nền kinh tế phát triển cao, thực hiện tam quyền phân lập
như ở châu Âu, Bắc Mỹ,... cũng đã và đang phải đương đầu với tệ tham nhũng.
Tham nhũng đã từng làm rối ren xã hội, khuynh đảo thể chế chính trị, thậm chí
là sụp đổ chính quyền ở một số nước trên thế giới. Chính vì thế, tham nhũng
không phải là sản phẩm riêng có của chế độ “độc đảng”, hay “bản chất” của thể
chế nhất nguyên chính trị như các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
xuyên tạc.
Kết quả của công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không
có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Cũng có nghĩa, không hề có chuyện “phe
phái”, “đấu đá, thanh trừng nội bộ”; tất cả, dù là ai, làm gì, ở đâu, khi sai
phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Chính những hành động quyết liệt, kiên trì, bền
bỉ, bài bản, thận trọng, chắc chắn và kết quả đạt được của Việt Nam, mà trong
báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2022, đã đánh giá: Việt Nam tăng 03
điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và tiến 10 bậc trên
bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2021, lên
77/180, thuộc nhóm nước có tiến bộ nổi bật cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm
mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam những năm qua. Các
nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, cho rằng: công tác phòng chống
tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam hiện nay là “mạnh mẽ hơn lúc nào hết”; “Đảng
Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đang phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống”.
Trong 10 năm (2012 - 2022) Đảng đã xử lý
kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên. Trong đó, có hơn
190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên
Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan
cấp tướng). Qua thanh tra, kiểm toán, kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700
tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu
tội phạm (Nguyễn
Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB
Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, tr.26). Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi
tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị
can so cùng kỳ năm 2022).
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công
an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân
hàng SCB và một số đơn vị khác. Thông qua Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã
huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân và rút ruột 1.066.000 tỷ đồng, sau đó
thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm các
công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm công ty này được chia
thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp
luật, là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh
Phát, giúp Trương Mỹ Lan lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của
Ngân hàng SCB hơn 304 nghìn tỷ đồng, cùng lãi phát sinh 129.372 tỷ đồng, tổng
cộng là hơn 415.000 tỷ đồng.
Tiếp tay, góp phần cho Trương Mỹ Lan tham
ô có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu
cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Trong đó phải kể
đến Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II - Ngân
hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) để bao
che, bưng bít cho những sai phạm của “tập đoàn tội phạm” Vạn Thịnh Phát và bà
“trùm mafia” Trương Mỹ Lan trong quá trình thanh tra, kiểm tra Ngân hàng SCB. Vụ
đại án “siêu lừa” này đã âm ỷ trong dư luận nhân dân rất nhiều, nay đã được đưa
ra ánh sáng, với tính chất và qui mô, sự tác động nhiều chiều đối với đời sống
xã hội, nhất là doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, cán bộ ngân hàng, cán bộ
Thanh tra – kiểm toán từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là lòng tin của nhân
dân vào chế độ.
Cuộc chiến “chống giặc nội xâm” không
thể ngừng nghỉ, không thể khoan nhượng, phải đi đến đích là “làm trong sạch Đảng và bộ
máy nhà nước, để phát triển đất nước”. Trung ương đã lãnh đạo, chỉ
đạo quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết
quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan
tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân
đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đây chính là câu
trả lời đanh thép, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch,
phản động, lợi dụng cuộc chiến này để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
chống phá cách mạng Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét