Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

NVH40 - Khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc

 

Về quan hệ chính trị, ngoại giao

Tiếp xúc cấp cao được coi trọng với hình thức đa dạng, linh hoạt hơn. Các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương. “Việc lãnh đạo cao nhất của hai Đảng duy trì trao đổi thường xuyên, định hướng, dẫn dắt quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, có vai trò định hướng chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước”. Ngoài số lượng chuyến thăm, thời điểm chuyến thăm cũng thể hiện sự coi trọng cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30-10 đến 1-11-2022) diễn ra ngay sau khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự chúc mừng và ủng hộ cao nhất của Việt Nam đối với Trung Quốc và đối với Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài cấp cao nhất mà Trung Quốc tiếp đón sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc cũng là nước đầu tiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm từ sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá “điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của chúng ta đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung - Việt”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, lãnh đạo cao cấp  hai nước xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới, khẳng định kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường chia sẻ chiến lược, tăng cường sự tin cậy chính trị, quản lý tốt sự khác biệt. Nhân các chuyến thăm cấp cao trong 15 năm qua, hai bên đã ký kết hơn 100 văn kiện, thỏa thuận.

Từ năm 2008 đến nay, ngoài các chuyến thăm chính thức, hình thức tiếp xúc giữa lãnh đạo cao cấp hai nước đã được làm phong phú hơn, linh hoạt hơn. Lãnh đạo cao cấp hai nước có các hình thức tiếp xúc trao đổi gồm các chuyến thăm lẫn nhau, cử đặc phái viên, thiết lập đường dây nóng, gặp gỡ đại diện hai Bộ Chính trị, trao đổi thư điện, gặp gỡ thường niên và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Các cơ chế này đã phát huy tác dụng quan trọng khi cần thiết hoặc trong điều kiện đặc biệt.

Sự tin cậy chiến lược giữa hai nước được củng cố và tăng cường. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đề cao và khẳng định những điểm tương đồng, nhất trí giữa hai nước về điều kiện, mục tiêu phát triển, tính chất đặc thù của mối quan hệ, khẳng định rõ định vị của mỗi bên về nhau, qua đó góp phần tăng cường sự tin cậy chiến lược. “Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung... Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”.

Thông qua tiếp xúc cấp cao, hai bên thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ nhận định, đánh giá về tình hình thế giới, khu vực. Việt Nam thể hiện sự ủng hộ đối với những công việc lớn, mục tiêu quan trọng, sáng kiến mới của Trung Quốc, như “4 toàn diện”, bố cục tổng thể của “5 trong 1”, hai mục tiêu 100 năm, ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”... Tuyên bố chung năm 2022, Thông cáo báo chí chung năm 2023 thể hiện Việt Nam ủng hộ con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai, các sáng kiến mới của Trung Quốc, như “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI)…

Đặc biệt, thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hai bên đã đưa ra phương hướng, trọng điểm thúc đẩy nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của quan hệ hợp tác, giải quyết vướng mắc trong các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến vấn đề biên giới lãnh thổ. Đơn cử như, về kinh tế, thương mại, hai bên đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển thương mại song song với giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, đó là từng bước giảm nhanh tình trạng nhập siêu của Việt Nam, đưa ra giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tạo điều kiện tăng cường thương mại chính ngạch, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng hoa quả của Việt Nam, khắc phục tình trạng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thiếu ổn định, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực, trình độ công nghệ cao sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...

Về hợp tác kinh tế, thương mại

Quan hệ thương mại tiếp tục xu thế tăng trưởng nhanh. Trong 15 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 9 lần, từ khoảng 20 tỷ USD năm 2008 lên 175,57 tỷ USD năm 2022. Từ năm 2018, Việt Nam đã vượt Ma-lai-xi-a, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - U-crai-na, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương vẫn duy trì xu hướng phát triển tích cực. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như rau quả. Một trong những vấn đề quan tâm của Việt Nam là bảo đảm sự ổn định việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã từng bước được giải quyết. Trung Quốc cam kết tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho các loại hoa quả có múi và một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam; năm 2022, hai nước đã lần lượt ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, thứ hạng có sự cải thiện rõ rệt. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam vươn từ tốp 20 lên tốp 10, từ 628 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,197 tỷ USD, đứng thứ 16/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2008 lên 3.567 dự án với tổng số vốn là 23,3 triệu USD vào năm 2022, đứng thứ 6 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay đã có sự tăng trưởng nhanh liên tục và đã xuất hiện các dự án lớn. Trong bối cảnh Trung Quốc tích cực triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), năm 2017, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại, kết nối năng lực sản xuất, kết nối BRI với “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đảm nhận thầu khoán nhiều dự án trọng điểm trong các lĩnh vực trọng điểm của Việt Nam, như khai khoáng, nhiệt điện, luyện kim.

Về quốc phòng - an ninh

Hai nước đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác liên quan đến hợp tác quốc phòng - an ninh cả trên đất liền và trên biển, như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (bắt đầu từ năm 2014, từ năm 2015 trở đi, giao lưu hữu nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước), thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng ba cấp (Trung ương, quân khu, cấp tỉnh). Lực lượng biên phòng hai bên đã thiết lập đường dây nóng nhằm kịp thời trao đổi thông tin, thông báo quy định, chính sách mới trong quản lý bảo vệ biên giới, cửa khẩu; đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, hoặc thông báo trao đổi xử lý khi có tình huống đột xuất.

Về an ninh, hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng, thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Hai bên hợp tác hiệu quả trong phòng, chống một số vấn đề an ninh phi truyền thống, mở nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm về ma túy, buôn bán người, truy nã tội phạm,… ở khu vực biên giới và hằng năm, tổ chức hội nghị tổng kết công tác.

Về giao lưu nhân dân và văn hóa

Tháng 11-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “hai bên phải đưa hợp tác nghiêng về lĩnh vực dân sinh, tiếp tục tăng thêm tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh niên”. Trong 15 năm qua, các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch giữa hai nước đã được đẩy mạnh với hình thức phong phú, đa dạng. 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc. Các cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường xuyên, như Chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư bốn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh này với Quảng Tây; Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)...

Các cơ chế mới được hình thành song song với mở rộng quy mô của các cơ chế cũ nhằm thúc đẩy giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân hai nước. Từ năm 2010, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc phối hợp luân phiên tổ chức Diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ năm 2000 đã được mở rộng về quy mô. Ngoài ra, còn có Liên hoan hữu nghị nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới. Năm 2017, Cung Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc được coi là công trình mang tính biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và giao lưu mật thiết về văn hóa đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Về giáo dục, hằng năm, Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng cho công dân Việt Nam ở các cấp bậc đào tạo từ đại học trở lên. Năm 2021, Chính phủ Trung Quốc cấp 44 suất học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam đi học đào tạo cấp bậc tiến sĩ, thạc sĩ và đại học tại Trung Quốc. Hiện nay, có khoảng 11.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam. Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới, cấp cho Việt Nam ít nhất 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc, và từ 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc trở lên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ các công trình nước sạch vệ sinh tại 8 trường học, trao học bổng cho học sinh thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.

Sau khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được nhiều thành tựu, song bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ song phương. Mặc dù quan hệ chính trị, ngoại giao được tăng cường, nhưng trên thực tế, quan hệ giữa hai nước có lúc không ổn định; một số hạn chế và vấn đề trong hợp tác chưa được giải quyết hiệu quả, như vấn đề nhập siêu, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có lúc gặp khó khăn, thiếu tính ổn định, tiến độ và chất lượng của một số công trình thầu khoán chưa được bảo đảm... Lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung về xử lý vấn đề trên biển; năm 2011, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, nhưng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Xử lý và giải quyết những vấn đề này như thế nào có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...