Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là
quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; được quy định trong
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; được cụ thể hóa trong các
chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn
phát triển của đất nước; được thực hiện tích cực, có trách nhiệm trong quá
trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người.
Nhiều năm trở lại đây, vấn đề dân chủ, nhân quyền là một trong những mục tiêu trọng tâm mà các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội, phản động thường xuyên lợi dụng, khai thác để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Theo đó, một số phúc trình, báo cáo về nhân quyền thế giới đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Mặt khác, các đối tượng chống phá không ngừng rêu rao về cái gọi là “tù nhân lương tâm”, từ đó lợi dụng, đòi quyền can thiệp tình hình nội bộ Việt Nam, cổ súy, kích động những đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn và cơ hội chính trị tố cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. Chẳng hạn, báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) - một trong những tổ chức phản động người Việt lưu vong tại California, Mỹ đã dựng lên việc hiện có gần 300 “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ trong năm 2021.
Cần khẳng định rằng, trong tiến trình xây dựng nền văn
minh, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều quản lý xã hội bằng công
cụ pháp luật. Những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm khắc
theo quy định của luật pháp. Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp quy định
của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do
của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn
các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con
người.
Trong đó, tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là quan điểm
nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước Việt Nam. Như cái gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự bịa
đặt, sai lệch về pháp lý, bởi lẽ khi có hành vi phạm tội, đối tượng phải chịu
sự điều tra, truy tố, xét xử công khai, bị tuyên án và phải chịu hình phạt theo
quyết định có hiệu lực của tòa án. Ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương
tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật và bị các cơ quan chức năng truy
tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc kích động hay ra sức
bảo vệ các đối tượng gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự cổ súy cho những kẻ
vi phạm pháp luật bị kết án nhưng không chấp hành hình phạt, đội lốt dân chủ,
lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước, chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam.
Có thể thấy rất rõ mưu đồ này qua việc tổ chức khủng
bố Việt Tân ra sức tung hô, đánh bóng và lấy tên giải thưởng nhân quyền Lê Đình
Lượng - vốn là tên một thành viên của tổ chức này, song trên thực tế lại là đối
tượng có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật.
Ngày 18/10, tại TP Vinh (Nghệ An), Tòa án nhân dân cấp
cao tại TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Lê Đình Lượng
về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình
sự năm 1999. Quá trình xét xử tại phiên phúc thẩm tiếp tục làm rõ Lê Đình Lượng
là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm; là đối tượng tích cực tuyên truyền,
lôi kéo các đối tượng có tư tưởng chống đối trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tham
gia vào tổ chức Việt Tân. Do đó, tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo
Lê Đình Lượng chịu mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Do đó, không ai bất
ngờ khi giải thưởng Lê Đình Lượng được lập ra chỉ nhằm trao và cổ súy cho những
“nhà hoạt động nhân quyền” cũng đều là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị
tòa kết án.
Trên thực tế, ngay từ khi thành lập, Nhà nước Việt Nam
luôn đặt quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân lên hàng đầu, và vấn đề
này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định
nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân một cách đầy đủ. Cụ thể tại Điều 15,
Hiến pháp 2013 quy định rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân;
mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm
thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người,
quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích
hợp pháp của người khác.
Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, ưu tiên
phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đã có những nỗ lực không mệt
mỏi trong nhiều năm qua để thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền. Nhiều thành tựu về
bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá
cao. Việt Nam xứng đáng với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên
hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia và chủ
trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và
quyền con người,… từ đó có nhiều đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Liên
hợp quốc.
Để không bị kẻ xấu dẫn dắt, tin
nghe theo những luận điệu sai sự thật, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tỉnh
táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống xuyên tạc việc bảo đảm
nhân quyền ở Việt Nam. Các cá nhân trong điều kiện và khả năng thực tế cần tích
cực tham gia đóng góp công sức vào quá trình phát triển của đất nước; chủ động
đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế
lực thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét