Đề cập đến bản chất của Nhà nước Việt Nam hiện nay,
các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền những quan điểm sai trái, phản
động rằng quyền lực nhà nước thống nhất không có sự phân chia, kiểm soát, đối
trọng lẫn nhau nên tất yếu dẫn đến tình trạng tha hóa quyền lực, lạm quyền,
lộng quyền của những người trong bộ máy nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để
đem lại lợi ích cho chính họ, từ đó vi phạm quyền làm chủ và xâm hại đến lợi
ích của nhân dân.....
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, quyền
lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thống nhất và sự thống nhất đó không
phải bắt nguồn và tập trung vào một nhánh quyền nào hay một cơ quan nào, mà cả
ba nhánh quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp đều bắt nguồn từ Nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước như
Hiến pháp năm 2013 khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”
(khoản 2 Điều 1); Nhân dân trao quyền, ủy quyền cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án
thực hiện các quyền này. Quyền lực nhà nước thống nhất được xác định ở việc
thống nhất trong mục tiêu hướng tới đó là: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ,
công bằng và văn minh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của
người dân, phát huy dân chủ từ cơ sở, đảm bảo lợi ích của dân tộc, của quốc
gia. Đây là nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ
của Nhà nước.
Quyền lực
nhà nước thống nhất nhưng có sự phân công hợp lý: Quyền lập pháp được trao cho
Quốc hội, quyền hành pháp trao cho Chính phủ và quyền tư pháp do Tòa án thực
hiện. Bản chất của quyền lập pháp là đại diện cho nhân dân, ý chí của Nhân dân
được thể hiện rất rõ trong chức năng của Quốc hội đó là quyền biểu quyết thông
qua các văn bản luật, mà đặc biệt là quyền thông qua Hiến pháp - luật cơ
bản của nhà nước, là văn bản mà người dân được tham gia và thể hiện tập trung
nhất ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân.
Bên cạnh đó Quốc hội đại diện cho người dân thực
hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, thay
mặt nhân dân biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước với mục tiêu bảo
vệ lợi ích của người dân, của quốc gia. Quyền hành pháp là quyền thực thi pháp
luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền này được thực hiện bởi hệ
thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, đứng đầu là Chính
phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Quyền tư pháp được trao cho
Tòa án - thực hiện chức năng xét xử. So với quyền lập pháp và quyền hành pháp,
quyền tư pháp cần sự độc lập và chỉ tuân theo những nguyên tắc, quy định của
pháp luật để bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật, thực thi công lý, công bằng,
bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Một vấn đề nữa cần xác định rõ đó là quyền lực nhà
nước là thống nhất nên có sự “phân công” mà không phải là “phân chia” như học
thuyết “phân chia quyền lực” (hay còn gọi là học thuyết “tam quyền phân lập”),
vì vậy quan điểm của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã nhất quán Việt Nam
không theo học thuyết “tam quyền phân lập” như nhiều quốc gia trên thế giới.
Quyền lực nhà nước được phân định thành ba nhánh và
phân công cho các cơ quan khác nhau thực hiện, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả
trong hoạt động bộ máy nhà nước, tránh trùng lắp, chồng chéo và hướng tới thực
hiện mục tiêu chung của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đảm
bảo được điều đó, ba nhánh quyền không chỉ có sự phân công mà còn có sự phối
hợp lẫn nhau, sự phối hợp tốt nhất đó là các cơ quan đảm bảo thực hiện hiệu
lực, hiệu quả tức là làm đúng, đủ và tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật
định. Đồng thời phối hợp chính là để tạo cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan khi
thực hiện các nhánh quyền này. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ chế
kiểm soát được thể hiện rõ trong hoạt động giám sát của Quốc hội với Chính phủ,
với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đặc biệt sự hình
thành hai cơ quan: Tổng kiểm toán nhà nước và Hội đồng bầu cử quốc gia trong
Hiến pháp 2013 và quy định cơ chế bảo hiến tại khoản 2 Điều 119 đã xác định rõ
hơn cơ chế kiểm soát, mặc dù Hiến pháp 2013 chưa quy định được một cơ chế bảo
hiến chuyên trách như quan điểm của Đảng đã đề ra nhưng đây là lần đầu tiên
trong năm bản Hiến pháp của Việt Nam cơ chế bảo hiến được đề cập, điều này
khẳng định cơ chế kiểm soát trong thực thi quyền lực nhà nước được tăng cường
hơn, cũng như cần phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân
trong kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước – cơ chế kiểm soát bên ngoài
tổ chức bộ máy nhà nước.
Như vậy, quyền lực Nhà nước Việt Nam là
thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm
soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành
pháp và tư pháp. Tuyệt đối không hề có sự mập mờ tạo điều kiện cho tình trạng
lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực sai mục đích của các cá nhân, cơ quan,
tổ chức trong bộ máy nhà nước. Đây là những luận cứ đanh thép để đập tan luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét